Hà Nội, Thứ Tư Ngày 21/05/2025

Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung nhìn từ thực tiễn: Cần mạnh tay với người nổi tiếng và doanh nghiệp 'quảng cáo

DTVN 16:19 21/05/2025

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, xem xét sản phẩm có được chứng nhận lưu hành của các cơ quan chức năng hay không.

Ồ ạt... 'nổ' quảng cáo

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan quảng cáo về các sản phẩm này, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee…Tại đây, các TikToker, KOLs (Key Opinion Leaders), KOCs (Key Opinion Consumers), và Influencers với những lời hứa hẹn “thần kỳ” như giúp giảm cân nhanh chóng, làm đẹp da tức thì, hay tăng cường sức khỏe vượt trội.

Người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo như thế ở mọi nơi, thường xuyên xuất hiện trong vai trò người giới thiệu sản phẩm, khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy bị thu hút và tin tưởng.

Các quảng cáo về thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời giới thiệu hoa mỹ như “chữa bách bệnh”, “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”. Không ít người tiêu dùng đã tin theo những quảng cáo này mà mua về sử dụng, nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng chứ không có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí dùng cả người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.

Đáng lo ngại, không phải tất cả những lời quảng cáo ấy đều dựa trên cơ sở khoa học hay được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp, những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm. Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.

Gần đây, vụ triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả với quy mô lớn, nhắm vào đối tượng người bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em, đã khiến dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ. Các sản phẩm bị phát hiện không hề chứa những thành phần cao cấp như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca hay óc chó như quảng cáo, mà thay vào đó là hỗn hợp pha trộn phụ gia, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người dùng.

Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trong thị trường thực phẩm dinh dưỡng hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm hướng tới trẻ nhỏ. Giữa bối cảnh người tiêu dùng ngày càng hoài nghi về độ tin cậy của các sản phẩm sữa công thức, dư luận tiếp tục xôn xao khi một sản phẩm khác – sữa Hiup – từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì quảng cáo sai sự thật.

Đáng chú ý, nhiều người nổi tiếng như BTV Quang Minh cùng loạt nghệ sĩ khác đã tham gia quảng bá cho dòng sản phẩm này, góp phần tạo nên hình ảnh “siêu phẩm tăng chiều cao” trong mắt công chúng. Một MC đã tham gia quảng bá cho sản phẩm sữa Hiup, được giới thiệu là hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ em. Trong các video quảng cáo, cô khẳng định rằng việc sử dụng sữa Hiup có thể giúp trẻ tăng từ 3 đến 5 cm sau 3 tháng sử dụng .

Ths.BS Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong suốt gần 4 thập kỷ qua, người Việt đã có những cố gắng nỗ lực để phát triển chiều cao trung bình. Nhiều nhận định đã được đưa ra như việc chiều cao phụ thuộc vào di truyền, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, giấc ngủ. Trong đó, nhấn mạnh về dinh dưỡng, rất nhiều người có quan niệm, muốn tăng chiều cao chỉ có uống sữa.

Tuy nhiên, Ths.Bs Trần Khánh Vân cho rằng, tỉ lệ dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng ở trong sữa rất thấp, nên mặc dù nó dễ tiêu hóa và phù hợp cho mọi lứa tuổi nhưng nó không phải là sản phẩm để căn cứ vào đó nhằm tăng trưởng chiều cao.

"Trên thực tế, sữa chỉ là một thực phẩm hướng đến để xây dựng một bữa ăn dinh dưỡng hợp lý nhằm giảm tỉ lệ gánh nặng kép, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân đồng thời không gây thừa cân và béo phì.

Chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý thường được coi trọng hơn là tập trung vào một loại thực phẩm đơn thuần là sữa để tăng chiều cao", bác sĩ Trần Khánh Vân nhận định.

"Chúng tôi có trong tay 15 nghiên cứu khác nhau về tác dụng của sữa đối với trẻ em. Mặc dù đã có bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa rồi nhưng các nghiên cứu vẫn còn đưa ra các quả không đồng nhất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sữa tăng cường sắt nên sẽ cải thiện được tình trạng sắt cho trẻ em, một số nghiên cứu khác thì lại cho kết quả ngược lại", nữ bác sĩ dẫn chứng.

Tại Việt Nam, các bác sĩ cho biết, họ chỉ có điều kiện nghiên cứu về sữa có tăng cường vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào tới tình trạng vi chất dinh dưỡng của trẻ em thôi. Chưa có các nghiên cứu theo chiều dọc về tác dụng của sữa đối với chiều cao của trẻ em.

"Nhưng một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh là chúng tôi chỉ tập trung xây dựng các bữa ăn dinh dưỡng đảm bảo cân bằng năng lượng, các chất sinh năng lượng, phân bổ năng lượng trong một ngày thay vì tập trung vào mũi nhọn là sữa. Sữa chỉ là một sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn chứ không phải là "cứu cánh" cho chiều cao của trẻ như các bà mẹ vẫn hay nghĩ”, BS. Vân khẳng định.

Theo kết quả nghiên cứu đa quốc gia về “Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ” được công bố tại sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ ngày 7/8 tại Hà Nội, TS Juliawati Untoro – Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương, cho hay, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam "thường sai lệch khoa học", bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu đa quốc gia về “Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ” được thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, tại 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ, gồm: Bangladesh, Trung Quốc, Mexico, Morocco, Nam Phi, Anh, Nigeria và Việt Nam. Việc điều tra được tiến hành ở phụ nữ mang thai, các bà mẹ và các những người có ảnh hưởng (influencers) bao gồm các chuyên gia y tế, đối tác, thành viên gia đình và bạn bè.

“Họ sử dụng hình ảnh, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ như dưỡng chất HMO và DHA”, TS Juliawati Untoro cho biết.

Các chuyên gia dinh dưỡng phân tích: HMO (Human Milk Oligosaccharide) - đại dưỡng chất nhiều thứ ba có trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và carbohydrate, giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Còn DHA (Acid docosahexaenoic) là một acid béo không no thuộc nhóm omega-3. DHA là thành phần của các tế bào thần kinh, chiếm tỷ lệ 90% và tập trung trong chất xám của não ảnh hưởng đến sự thông minh và gần 60% trong võng mạc ảnh hưởng đến thị lực.

Cũng theo báo cáo, phụ nữ nói chung tích cực về việc cho con bú, tuy nhiên sự hiểu biết và niềm tin vào việc nuôi con bằng sữa mẹ của họ bị xói mòn bởi một loạt các thông điệp tiếp thị.

Báo cáo cho thấy: “Dinh dưỡng thường là trọng tâm của quảng cáo tại Việt Nam, định vị sữa công thức là tương đương với sữa mẹ, hoặc có thêm lợi ích so với sữa mẹ. Với trẻ từ 6 tháng tuổi đến trên 3 tuổi, sữa công thức là được định vị là chìa khóa cho “chiều cao”, “cân nặng” và “nhận thức” , những đặc điểm mà phụ nữ ở Việt Nam được báo cáo là mong muốn và có ảnh hưởng đến việc lựa chọn”.

Theo WHO, việc tiếp thị đã ảnh hưởng đến quan điểm của phụ nữ về lợi ích dinh dưỡng của sữa công thức. Ở Trung Quốc, Nigeria, Anh và Việt Nam, phụ nữ nói cần bổ sung sữa công thức ngay cả khi họ đã cho con bú. Một số người cho rằng sữa công thức có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mà họ tin rằng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể không thể cung cấp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thông tin tiếp thị ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ khi 82% biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/NĐCP-2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, là cơ sở pháp lý cho việc cấm quảng cáo, giới thiệu, gợi ý bán bình sữa và sữa công thức cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc hãng sữa chi mạnh tay cho quảng cáo tiếp thị trá hình. Còn tình trạng nhân viên y tế cung cấp cho hãng sữa thông tin của các mẹ bầu và nuôi con nhỏ, bởi vậy các hãng sữa vẫn đang dễ dàng gửi đi thông điệp quảng cáo và chương trình tiếp thị đến tận tay người tiêu dùng...

Khảo sát thực tế của PV cho thấy, ngay cả hãng sữa lớn hàng đầu Việt Nam như Vinamilk khi giới thiệu tính năng sản phẩm Dielac Alpha Gold 1 với công thức COMPLET-IQ, bổ sung Sữa non 24h nhập khẩu từ Mỹ giúp tăng sức đề kháng, cùng lợi khuẩn hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe; DHA, Choline, Lutein hỗ trợ phát triển não bộ cùng các dưỡng chất cần thiết giúp trẻ tăng cân và phát triển chiều cao, hỗ trợ phát triển toàn diện.

Sữa bột Optimum Gold 1 có tính năng sản phẩm: Hấp thu và đề kháng, tăng 30% HMO (2’- FL) là prebiotic có cấu trúc tương tự như dưỡng chất được tìm thấy trong sữa mẹ, giúp hình thành hệ vi khuẩn có lợi, cùng với đạm Whey giàu Alpha-lactalbumin giúp tăng khả năng hấp thu và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ngoài ra còn giúp trẻ tăng chiều cao vượt trội; Phát triển trí não nhờ DHA từ tảo kết hợp cùng với Lutein, Omega 3 & Omega 6, Taurin và Cholin giúp phát triển não bộ, thị giác... và hàng loạt nhãn hàng khác cũng ồ ạt quảng cáo sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung của mình có tác dụng tăng chiều cao cho trẻ.

Siết chặt bằng Luật Quảng cáo

TS. Nguyễn Hồng Vũ – chuyên gia nghiên cứu về sinh học phân tử trong Y học, hiện đang làm việc tại Mỹ cho biết, cho đến nay chưa có loại sữa tăng trưởng chiều cao nào được chứng minh một cách khoa học có tác dụng rõ ràng, đáng kể và vượt trội so với sữa bình thường. Cha mẹ ai cũng muốn con mình cao. Đây là thực tế và cũng là điểm yếu tâm lý để các "con buôn sữa tăng trưởng chiều cao” lợi dụng để chạy đua những kỷ lục chốt đơn hàng”.

Luật sư Đoàn Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng Luật sư Cộng Đồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Căn cứ khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo sai sự thật có thể được hiểu là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm kiểm soát và xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, theo khoản 5, 7, 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ đến 5 - 7 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 - 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Nếu hành vi quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo do sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Tổng số tiền phạt của hai nghệ sĩ là hơn 100 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 148/QĐ-XPHC ban hành ngày 28/4, ông Trần Quang Minh (BTV Quang Minh) vi phạm hai hành vi: Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 sử dụng tên của bác sĩ.

Nam nghệ sĩ vi phạm điểm a khoản 2 và điểm a khoản Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Tổng số tiền phạt BTV Quang Minh phải nộp là 37,5 triệu đồng. Vi phạm và mức xử phạt của MC Vân Hugo (Nguyễn Thanh Vân) được ban hành trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 149/QĐ-XPHC. Theo đó, MC Vân Hugo vi phạm ở mức độ nặng hơn là quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm. MC Vân Hugo bị phạt 70 triệu đồng theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Ngoài ra, BTV Quang Minh và MC Vân Hugo phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Theo thống kê, đã có 103 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, trong đó có 86 ý kiến phát biểu tại Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trưởng, 01 ý kiến tranh luận. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Luật. Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật trình tại kỳ họp này có 03 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 01 điều và 07 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 05 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8. Dự luật đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh lý thuật ngữ “quảng cáo” bảo đảm khái quát cao hơn, rõ nghĩa, không bị lẫn với thông tin không phải quảng cáo (như thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị), phù hợp với sự đa dạng của các hình thức quảng cáo hiện nay.

Đối với thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng điều chỉnh 02 loại đối tượng: (i) người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trên mạng; (ii) người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ. Bổ sung giải thích thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”, chủ yếu dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng ghép Điều 4 và Điều 5 thành 01 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, đồng thời, giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của UBND các cấp trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Đặc biệt liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15a theo hướng: (i) Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; (ii) Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; (iii) Khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, trả lời phóng viên về đề xuất của Bộ VHTT&DL để quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn việc người có ảnh hưởng trong xã hội tham gia quảng cáo, Thứ trưởng thường trực Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình cho biết, người nổi tiếng tham gia quảng cáo là một hiện tượng thường thấy trong cuộc sống.

Gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội (MXH), những người có ảnh hưởng, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện quảng cáo trên MXH càng ngày càng trở thành xu hướng phổ biến.

Để điều chỉnh các hoạt động quảng cáo này, chúng ta đã có Luật Quảng cáo. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các quảng cáo trên MXH, Bộ VHTT&DLvà Bộ Thông tin và Truyền thông trước đây đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý các tồn tại, hạn chế trong hoạt động này.

Đơn cử trong tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật trên mạng xã hội.

Với thực tiễn càng ngày càng có nhiều cái mới, chúng tôi đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý tâm huyết và rất xác thực với thực tiễn.

Bộ VHTT&DL dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Trong đó nổi bật là người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo.

Bên cạnh đó, phải chịu trách nhiệm, có xác minh, minh bạch cụ thể về sản phẩm mà mình quảng cáo.

"Khi làm luật đều kèm theo Nghị định và chúng tôi cũng dự kiến trong Nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo có điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gian quảng cáo trên mạng.

Chúng tôi dự định tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm không cho quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội". Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho biết.

Chúng ta thấy là công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có từ rất sớm, triển khai cũng rất cụ thể, nhiều biện pháp và trong thời gian tới sẽ củng cố thêm cả về Luật, Nghị định và các văn bản liên quan.

" Tôi mong rằng báo chí cùng nhau đóng góp để dân trí xã hội tăng lên, để ai xem quảng cáo cũng biết là thật hay giả.

Link gốc : phapluatphattrien

Bạn đang đọc bài viết Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung nhìn từ thực tiễn: Cần mạnh tay với người nổi tiếng và doanh nghiệp 'quảng cáo tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h